Thứ Hai, 23 tháng 10, 2017

TIỂU SỬ NGUYỄN VĂN CỪ
NHÀ LÃNH ĐẠO XUẤT SẮC CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM


      Ông Nguyễn Văn Cừ sinh ngày 09/7/1912 (nhằm ngày 25/5/năm Nhâm Tý) trong một gia đình trí thức nghèo ở làng Phù Khê, Tổng Nghĩa Lập, Phủ Từ Sơn, (nay là thị xã Từ Sơn), Tỉnh Bắc Ninh.
      Ông sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo. Lúc nhỏ Ông nổi tiếng là người thông minh, hiếu học, năm 13 tuổi đỗ Bằng sơ học Pháp - Việt loại ưu. Sau 2 năm Ông thi vào trường Bưởi- trường Trung học lớn nhất Miền Bắc lúc bấy giờ (nay là Trường THPT Chuyên Chu Văn An, Hà Nội) và đỗ loại giỏi nên được cấp học bổng toàn phần để học.
      Vốn thông minh, lại rất chăm chỉ và chịu khó nên Ông luôn luôn là học sinh xuất sắc của lớp. Lúc đó phong trào cách mạng ở Bắc Kỳ nói chung và Trường Bưởi nói riêng đang lên cao nên Ông đã giác ngộ và tham gia tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Ông tích cực hoạt động tuyên truyền cho tổ chức, làm báo, làm thơ phê phán bọn thực dân và bọn nịnh Tây. Vì những hoạt động đó, Ông đã bị nhà trường thực dân đuổi học.
      Đầu năm 1928, Ông về quê mở trường dạy học và tiếp tục hoạt động Cách mạng, được Ngô Gia Tự - Bí thư Tỉnh bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên Tỉnh Bắc Ninh giác ngộ, Ông hiểu rõ: Muốn xóa bỏ áp bức bóc lột, muốn giải phóng dân tộc, không thể đả kích cá nhân mà phải vận động quần chúng, phải có tổ chức bền vững, đó là Đảng Cộng sản .
      Tháng 9 năm 1928, theo chủ trương “Vô sản hóa”của Việt Nam Cách mạng Thanh niên Ông tình nguyện đến lao động và hoạt động tại mỏ than Vàng Danh với tên là Phùng. Đời sống công nhân mỏ vô cùng cực khổ, cơm không đủ ăn, áo quần không đủ mặc, mùa đông buốt giá không chăn chiếu, nhưng Nguyễn Văn Cừ luôn luôn đồng cam, cộng khổ, gần gũi với anh em công nhân, chính vì vậy Ông được anh em công nhân tin cậy, yêu mến.
      Tháng 6 năm 1929, Đông Dương Công sản Đảng được thành lập. Ông trở thành một trong những đảng viên đầu tiên và được Đảng phân công làm cán bộ chuyên nghiệp của Đảng. Khi đó Ông vừa tròn 17 tuổi.
      Cuối  năm 1929, lấy tên là Phùng Ngọc Tường, Ông đến Mạo Khê xây dựng cơ sở Đảng, thành lập Chi bộ Cộng sản Mạo Khê, Cẩm Phả- Cửa Ông. Theo sáng kiến của Ông tờ báo “ Mỏ than” ra đời mà Ông vừa là người phụ trách, vừa là biên tập chính. Ngày 03/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời – ngay sau đó Đặc Khu ủy Hòn Gai – Uông Bí cũng được thành lập và Ông được bầu làm Bí thư Đặc Khu ủy Hòn Gai – Uông Bí. Dưới sự lãnh đạo của Ông, phong trào công nhân vùng mỏ đã phát triển mạnh, nhiều cuộc đấu tranh đòi làm ngày 8 giờ, đòi tăng lương, cải thiện đời sống đã nổ ra. Bọn thực dân Pháp vô cùng hoảng sợ ra sức đàn áp, khủng bố. Giữa lúc phong trào Cách mạng đang lên thì ngày 15/2/1931, trên đường đi công tác Ông Nguyễn Văn Cừ bị thực dân Pháp bắt. Biết Ông là cán bộ quan trọng ở vùng mỏ, địch dùng mọi thủ đoạn tra tấn, dụ dỗ, nhưng đều thất bại, chúng đưa Ông về giam tại nhà lao Hỏa Lò (Hà Nội).
      Mặc dù không đủ bằng chứng, nhưng ngày 15/5/1931, tòa “Hội đồng đề hình Bắc Kỳ” đã kết án Ông 20 năm đày biệt xứ vì tội chống an ninh quốc gia và đày ra Côn Đảo đầu năm 1932. Tại Côn Đảo, Ông đã giành hết thời gian vào việc học tập lí luận chính trị, dịch sách kinh điển chủ nghĩa Mác- Lê nin, tổng kết kinh nghiệm đấu tranh, nghiên cứu Luận cương chính trị của Đảng để dạy lại cho anh em tù chính trị. Theo sáng kiến của Ông tờ báo “
Ý KIẾN CHUNG” của tù chính trị ra đời để tuyên truyền, giáo dục và cổ vũ tinh thần cách mạng cho anh em tù.
      Năm 1936, do phong trào đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và do thắng lợi của Mặt trận Nhân dân Pháp, bọn thực dân Pháp buộc phải trả tự do cho một số tù chính trị trong đó có Ông.
      Ra tù Ông về Hà Nội bắt liên lạc với Đảng và tích cực hoạt động khôi phục lại Xứ ủy Bắc Kỳ.
      Tại hội nghị toàn thể BCH TW họp từ ngày 25/8-04/9/1937, Ông Nguyễn Văn Cừ được bầu vào Thường vụ BCH TW Đảng và Hội nghị toàn thể BCH TW họp ngày 29 – 30/3/1938 tại làng Bà Điểm, Hóc Môn, Gia Định; Ông Nguyễn Văn Cừ được bầu làm Tổng Bí thư BCH TW Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm đó Ông vừa 26 tuổi.
      26 tuổi với cương vị Tổng Bí thư - người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Ông đã tỏ rõ bản lĩnh chính trị và trí thông minh tuyệt vời.
      Hiểu rõ vai trò của Mặt trận dân tộc thống nhất- Ông đã giành hết tâm huyết cho việc xây dựng và củng cố Mặt trận. Theo sự chỉ đạo của Ông, hàng loạt tờ báo Cách mạng công khai ra đời như: Tin tức,Thời thế, Dân chúng…. Báo chí Cách mạng đã tác động mạnh mẽ vào quần chúng, làm dấy lên phong trào Cách Mạng sôi nổi: hàng loạt cuộc mít tin, biểu tình đòi dân sinh , dân chủ đã nổ ra.
    Với cương vị Tổng Bí thư Ông rất quan tâm đến hoạt động của Đoàn Thanh niên, một lực lượng hăng hái nhất của Cách mạng. Theo chỉ thị của Ông, ngày 05/5/1938 Hội nghị toàn quốc Đoàn Thanh niên với 200 đại biểu tham dự đã họp công khai tại số nhà 28- phố Rô manh-Rô Lăng, Hà Nội. Đại hội đã bầu ra BCH TW và cho xuất bản 2 tờ báo công khai “ Thế giới” ở Hà Nội và “ Mới” ở Sài Gòn.
     Dưới sự lãnh đạo của Ông Nguyễn Văn Cừ ngày 28/3/1939, Đảng ta ra tuyên ngôn “Tình hình chung và đường lối chủ trương của Đảng”. Ngày 27/4/1939 ra “Tuyên ngôn với các Đảng phái và các tầng lớp nhân dân”. Các văn kiện đó một lần nữa chỉ rõ tai họa phát xít và kêu gọi toàn dân thống nhất hành động chống bọn phản động thuộc địa tay sai của phát xít. Đồng thời nghiêm khắc phê phán những tư tưởng cô độc, hẹp hòi, hữu khuynh và thỏa hiệp về nguyên tắc đối với bọn Tơ-rốt –kit
  Tháng 6/1939, với bút danh Trí Cưòng, Ông đã viết cuốn sách nổi tiếng “Tự Chỉ trích”. Cuốn sách tổng kết kinh nghiệm thành lập Mặt trận Dân chủ Đông Dưong, nhấn mạnh vai trò rất quan trọng của Mặt trận là nhằm tập hợp các giai cấp, tầng lớp trong xã hội, trên cơ sở liên minh công nông để chống phát xít, chống bọn phản động thuộc địa, chuẩn bị cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc sau này. Đồng thời cũng nêu những tồn tại và nhắc nhở “ chúng ta phải chiến thắng xu hướng sai lầm trong hàng ngũ, xu hướng tả khuynh, nó làm cho Đảng ta cô độc, hẹp hòi, biệt phái, xa cách quần chúng và xu hướng thỏa hiệp hữu khuynh, lung lay trước tình hình nghiêm trọng, lãng quên hoặc che lấp sự tuyên truyền chủ nghĩa Mác Lê nin, lăm le rời bỏ nguyên tắc Cách mạng”. Cuốn sách là công cụ sắc bén trong đấu tranh phê bình và tự phê bình để xây dựng Đảng, làm cho Đảng ngày càng thống nhất về tư tưởng và hành động.
      Ngày 8/9/1939, một tuần sau khi chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, Nguyễn Văn Cừ triệu tập Hội nghị Xứ ủy Bắc Kỳ, phân tích, nhận định tình hình và chỉ thị chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cho phù hợp với tình hình mới để tránh tổn thất nếu Pháp đàn áp.
      Từ ngày 6-8/11/1939, Ông chủ trì Hội nghị lần thứ 6 BCH TW họp tại làng Bà Điểm, Hóc Môn, Gia Định. Hội nghị đã ra nghị quyết đúng đắn, phù hợp với Cách mạng trong tình hình mới, chủ trương:
    - Đặt vấn đề giải phóng dân tộc lên hàng đầu; vấn đề giải phóng dân tộc ở Đông Dương trong khuôn khổ của mỗi nước.
    - Chủ trương thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Phản đế Đông Dương, nhằm đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân tích cực chuẩn bị để giải phóng dân tộc. Nghị quyết nhấn mạnh “ Đứng trên lập trường giải phóng dân tộc, lấy quyền lợi dân tộc làm tối cao, tất cả mọi vấn đề của Cách Mạng, kể cả vấn đề điền địa cũng nhằm vào mục đích ấy mà giải quyết”
      Giữa lúc Cách Mạng đang chuyển sang bước ngoặc mới cần những cán bộ lãnh đạo ưu tú thì ngày 18/01/1940, Ông Nguyễn Văn Cừ - Tổng bí thư Đảng bị địch bắt trên đường đến cơ quan bí mật của Đảng ở đường Nguyễn Tấn Nghiêm-Sài Gòn.
      Biết đây là Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Đông Dương, bọn mật thám dùng mọi thủ đoạn từ dụ dỗ đến tra tấn cực hình, nhưng Ông không hề khai một lời.
      Không lay chuyển được lòng trung thành với lý tưởng của Ông, chúng đưa Ông về giam ở khám lớn Sài Gòn. Tại đây, Ông lại mở những lớp bồi dưỡng chính trị cho cán bộ, Đảng viên đang bị tù, củng cố lòng tin mãnh liệt  vào sự tất thắng của Cách Mạng cho anh em tù.
      Trong tháng 10/1940, thực dân Pháp liên tục mở 2 phiên tòa xét xử Ông:
    - Ngày14/10/1940, Tòa án quân sự kết án Ông “5 năm tù, phạt 8.000 phơ răng và 20 năm đày biệt xứ” vì tội gây tổn hại đến quốc phòng.
    - Ngày 22/10/1940, Tòa Thượng thẩm Sài Gòn kết án “5 năm tù, tước quyền công dân và chính trị, 10 năm đày biệt xứ”
      Sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ (11/1940), Thực dân Pháp điên cuồng đàn áp Cách mạng, ngày 25/3/1941, tòa án binh Sài Gòn đã khép Ông tội “Có trách nhiệm tinh thần về cuộc khởi nghĩa” và kết án tử hình Ông.
      Sáng sớm  ngày 28/8/1941, Ông Nguyễn Văn Cừ - Tổng bí thư Đảng cộng sản Đông Dương cùng các đồng chí của Ông: Hà Huy Tập - nguyên Tổng Bí thư; Võ Văn Tần – Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ; Phan Đăng Lưu- Ủy viên Trung ương Đảng; Nguyễn Thị Minh Khai – Bí thư Thành ủy Sài Gòn-Gia Định, Lê Hồng Phong… bị thực dân Pháp xử bắn tại trường bắn Hóc Môn, Gia Định.
      Nguyễn Văn Cừ - Tổng  bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương, đã đi vào cõi bất tử giữa tuổi sung sức nhất của cuộc đời - 29 tuổi. Với 29 tuổi Ông đã có quá trình 12 năm hoạt động Cách Mạng, trong đó có 2 năm giữ cương vị Tổng Bí thư, và bị địch bắt kết án với tổng số 10 năm tù giam, 50 năm đày biệt xứ, giam giữ 7 năm trong nhiều nhà tù lớn của thực dân.
      Cuộc đời của Ông tuy ngắn ngủi, nhưng sự nghiệp thật lớn lao. Xuất phát từ lòng yêu nước, thương nòi, căm thù giặc sâu sắc, Ông đã hăng hái ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, xây dựng một xã hội mới - độc lập, tự do, ấm no và hạnh phúc. Từ đó toàn bộ cuộc đời của Ông đã hiến dâng cho sự nghiệp vĩ đại của Đảng và của dân tộc; tin tưởng tuyệt đối vào thắng lợi của Cách Mạng cho đến giây phút cuối cùng của đời mình. Bất cứ trong hoàn cảnh nào Ông cũng ra sức học tập nắm vững khoa học Cách Mạng, gian khổ lăn lộn với quần chúng, giác ngộ và lãnh đạo quần chúng đấu tranh. Cuộc đời của Ông là cuộc đời của một chiến sĩ Cộng sản năng động, sáng tạo, có trình độ tổ chức cao, có khả năng đoàn kết, tập hợp quần chúng, có uy tín lớn, nhiều kinh nghiệm thực tiễn, sẵn sàng làm bất cứ việc gì một cách tận tâm, tận lực phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân. Tuổi trẻ của Ông đã để lại cho chúng ta tấm gương sáng về động cơ, thái độ học tập; tinh thần tự học, tự rèn và tự lập trong cuộc sống.

    KẾT QUẢ THI CHÀO MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO 20/11  Để chào mừng ngày nhà giáo 20/11, tập thể lớp chúng em đã nổ lực tham gia các cuộc thi : l...